Phù hiệu phải được gắn cho xe kinh doanh vận tải
Điểm a khoản 3 Điều 11 Nghị định 86/2014/NĐ-CP quy định xe hoạt động kinh doanh vận tải phải được gắn phù hiệu. Theo đó, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, xe taxi, xe buýt, xe vận chuyển hành khách theo hợp đồng, xe chở công – ten – nơ, xe đầu kéo kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc, xe ô tô vận tải hàng hóa phải được gắn phù hiệu; xe ô tô kinh doanh vận tải khách du lịch phải được gắn biển hiệu theo quy định của Bộ Giao thông vận tải.
Nếu điều khiển xe không gắn phù hiệu, người điều khiển có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đến 5.000.000 (theo quy định tại Điều 24 Nghị định 46/2016/NĐ-CP).
Phù hiệu phải được gắn cho xe vận chuyển hàng nội bộ
Về khái niệm kinh doanh vận tải, khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 3 Nghị định 86/2014/NĐ-CP quy định như sau:
1. Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc sử dụng xe ô tô vận tải hàng hóa, hành khách trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi; bao gồm kinh doanh vận tải thu tiền trực tiếp và kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp.
2. Kinh doanh vận tải thu tiền trực tiếp là hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, trong đó đơn vị kinh doanh vận tải cung cấp dịch vụ vận tải và thu cước phí vận tải trực tiếp từ khách hàng.
3. Kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp là hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, trong đó đơn vị kinh doanh vừa thực hiện công đoạn vận tải, vừa thực hiện ít nhất một công đoạn khác trong quá trình từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc dịch vụ và thu cước phí vận tải thông qua doanh thu từ sản phẩm hoặc dịch vụ đó.
Như vậy, công ty có xe vận chuyển hàng hóa nội bộ (vận chuyển hàng hóa cho chính công ty) là một đơn vị kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp, thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 86/2014/NĐ-CP. Do vậy, xe vận chuyển hàng nội bộ là xe hoạt động kinh doanh vận tải, phải thực hiện thủ tục để xin phù hiệu và gắn phù hiệu cho xe.